Với tầm quan trọng của mình, truyền thông đang ngày càng được các cơ sở đào tạo chú trọng. Tuy nhiên, do gặp phải nhiều yếu kém về trang thiết bị cũng như phương thức, chương trình học mà việc đào tạo truyền thông ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự hiệu quả.
1. Tổng quan về đào tạo truyền thông
1.1. Tìm hiểu khái niệm về “đào tạo truyền thông”
Đào tạo truyền thông được hiểu là một khóa học tập giúp cho người học có đầy đủ kĩ năng về việc làm truyền thông (kĩ năng phân tích đối tượng truyền thông, nắm vững các kênh truyền thông, viết, quảng cáo, đo lường hiệu quả..) để có thể thực hiện có hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ truyền thông của đơn vị mình.
Truyền thông thường được học cùng với ngành nghiên cứu phương tiện truyền thông hay báo chí ở bậc đại học. Tuy nhiên, truyền thông cũng được xem như một ngành học riêng và có thể chọn để học chuyên sâu ở bậc cao học. Ngày nay, đáp ứng nhu cầu học truyền thông theo chuẩn quốc tế, gắn liền với thực tiễn doanh nghiệp, nên đã xuất hiện nhiều trung tâm bên ngoài đào tạo các lớp truyền thông ngắn hạn.
1.2. Nhu cầu đào tạo truyền thông
Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông theo xu hướng mới của lĩnh vực báo chí, truyền thông. Thông điệp được truyền tải ngày càng trở nên tinh tế, sinh động với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống ngôn ngữ đa phương tiện như: văn bản, âm thanh, hình ảnh, video, tương tác,… Đáp ứng cho sự phát triển “không giới hạn” này, Việt Nam đang có nhu cầu rất cao về nguồn nhân lực năng động có thể làm chủ và sáng tạo với các sản phẩm truyền thông hiện đại.
· Các ngành nghề liên quan đến truyền thông điển hình:
o Trong bất kì doanh nghiệp, cơ quan hay tổ chức:
Truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong bất kỳ doanh nghiệp hoặc tổ chức nào. Vai trò này ở 2 khía cạnh: truyền thông nội bộ và truyền thông với bên ngoài.
Truyền thông nội bộ: là phương thức liên quan đến sự tương tác giữa đội ngũ lãnh đạo với nhân viên cũng như giữa nhân viên với nhau, ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành văn hóa doanh nghiệp. Việc truyền đi thông điệp nội bộ phải đồng bộ và thống nhất với chiến lược, mục đích của doanh nghiệp, và cần phải rõ ràng, đi đúng vào vấn đề, đúng đối tượng. Người phát đi thông điệp cần thể hiện mong muốn của mình, để biến thông điệp thành hành động của nhân viên, nhằm đạt được kết quả tối ưu.
Truyền thông bên ngoài: Trong quá trình phát triển doanh nghiệp không thể thiếu việc giới thiệu, quảng bá những giá trị của doanh nghiệp ra bên ngoài. Kênh truyền thông này liên quan chặt chẽ với mối quan hệ doanh nghiệp – khách hàng. Nó đòi hỏi những thông tin chuyển tải tới khách hàng phải chính xác, trung thực.
o Trong ngành phương tiện truyền thông (truyền hình, báo chí..)
Truyền thông là nhiệm vụ chính của các cơ quan làm phát thanh, báo chí. đây là chức năng cơ bản mang tính tiên quyết của báo chí. Báo chí tồn tại và phát triển là để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của con người và xã hội. Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu thông tin của quần chúng càng đòi hỏi cao, đa dạng và phong phú hơn. Ngoài ra, thông tin báo chí cũng đồng thời là chất liệu và động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội.
Các ngành công nghiệp truyền thông điện tử đang định hình lại cách mà xã hội sử dụng các phương tiện truyền thông và thông tin. Các trang tin tức online, mạng xã hội và các công nghệ kỹ thuật số là tất cả các lĩnh vực công nghiệp đang phát triển, làm gia tăng đáng kể các cơ hội việc làm cho những người có kỹ năng truyền thông và cả trình độ điện tử.
o Trong ngành Marketing, PR và Quảng cáo
Truyền thông gắn với xây dựng quảng bá thương hiệu: Yếu tố cốt lõi làm nên thương hiệu xét cho cùng là chất lượng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Nhưng một khi đã làm ra được sản phẩm/dịch vụ có chất lượng rồi thì phải giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng. Đây là vai trò và nội dung quan trọng của truyền thông doanh nghiệp với bên ngoài. Doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng – báo nói, báo in, báo hình, báo điện tử – để giới thiệu sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu.
2. Thực trạng đào tạo truyền thông
Qua khảo sát thực tế ở một số cơ sở đào tạo bậc đại học ở nước ta trong những năm vừa qua và quá trình phân tích thực trạng nguồn nhân lực cho lĩnh vực truyền thông, có thể điểm ra những lưu ý chính như sau:
· Về hình thức đào tạo: Chia ra làm 2 loại chính: đào tạo gắn liền với chương trình đào tạo Đại học hoặc Cao học trong một số trường Đại học chuyên ngành báo chí – kinh tế như Học viên Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Ngoại giao, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học RMIT, ĐH Kinh tế quốc dân…
Loại thứ 2 là các trung tâm bên ngoài, có đặc điểm là các khóa ngắn hạn, đi sát với thực tế doanh nghiệp, và chỉ tập trung đào tạo 1 số kĩ năng nhất định của truyền thông. VD: Học viện SAGE, Khóa học Ellite PR School..
· Về chương trình đào tạo: Nhìn chung, các chương trình đào tạo truyền thông còn nặng về lý thuyết, kỹ năng thực hành chỉ bao gồm các thao tác đơn giản (đặc biệt là các khóa học trong các trường đại học. Thông thường, các chương trình đào tạo vẫn chủ yếu xoay quanh những phương tiện truyền thống chứ chưa thực sự theo sát với sự biến đổi không ngừng của các hình thức truyền thông đương đại.
· Về đội ngũ giảng viên: Hiện tại lĩnh vực đào tạo truyền thông đang diễn ra sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên thực hành để hướng dẫn sinh viên. Việc hướng dẫn sinh viên làm truyền thông cũng rất khó thực hiện vì nhiều giảng viên chưa có cơ hội được hành nghề thực tế. Chính vì vậy, nhiều sinh viên tốt nghiệp loại khá, nhưng vẫn không có đầy đủ các kỹ năng về nghề truyền thông.
· Về trang thiết bị: Trang thiết bị cho đội ngũ giảng viên và thực hành cho học viên nhìn chung không đáp ứng so với sự phát triển của truyền thông. Chương trình đào tạo của các trường chủ yếu xoay quanh những phương tiện truyền thông truyền thống chứ chưa thực sự theo sát với sự biến đổi không ngừng của các phương tiện truyền thông đương đại. Có thể lấy ví dụ truyền thông đa phương tiện rất cần các công cụ hỗ trợ thực hành để làm ra các sản phẩm truyền thông như phim quảng cáo, phim truyền hình, video clip, hoạt hình 3D, hệ thống nhận diện thương hiệu…
· Về phương thức đào tạo:
– Điểm cơ bản nhất trong việc đào tạo báo chí truyền thông là phải “cho ra lò” những người “thạo việc”, có kỹ năng săn tin, viết bài, biết cách làm photoshop, thiết kế thương hiệu; biết thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình, biết cách tổ chức sự kiện, biết làm truyền thông hợp tác và tiếp thị, quảng cáo. Tuy nhiên hầu hết các sinh viên khi tốt nghiệp vẫn chưa thực hiện được điều này mà phải đào tạo lại từ phía doanh nghiệp.
– Việc nghiên cứu báo chí truyền thông ở Việt Nam vẫn chưa được đánh giá và quan tâm đúng mức. Các nghiên cứu về báo chí truyền thông còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chưa tạo nên định hướng cho sự phát triển của ngành công nghiệp truyền thông, và cũng chưa đóng góp hiệu quả cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này.
Như vậy có thể thấy, thực trạng đào tạo truyền thông hiện nay ở nước ta chưa thực sự hiệu quả. Nắm bắt được tình hình này, các cơ sở đào tạo truyền thông tại Việt Nam đang nỗ lực đầu tư trang thiết bị cũng như nâng cao trình độ, năng lực cho giảng viên, hỗ trợ giảng viên du học tại nước ngoài để tiếp cận những xu hướng mới của truyền thông và kỹ năng làm truyền thông chuyên nghiệp để đào tạo lại cho sinh viên và học viên. Bên cạnh đó, một số trường cũng liên kết với các sơ sở đào tạo truyền thông tại nước ngoài để tạo điều kiện cho người học được tiếp cận với chương trình truyền thông chuẩn quốc tế. Những động thái này sẽ giúp cho chất lượng đào tạo sinh viên và học viên ngành truyền thông ở nước ta được cải thiện và trong tương lai, họ sẽ có đủ bản lĩnh để làm việc trong môi trường truyền thông chuyên nghiệp và hiện đại.